Lo ngại Quỹ_đầu_tư_quốc_gia

[2]Sự nổi lên nhanh chóng của các SWF đang khiến thế giới cảm thấy e ngại. Những lo ngại liên quan đến SWF bao gồm 2 vấn đề: Thứ nhất, tài sản do SWF rất lớn. Và khi một lượng tài sản lớn nằm trong tay bất kỳ ai đều đáng lo ngại, dù đó là cá nhân, ngân hàng hay một chính phủ. Thứ hai, SWF là công cụ đầu tư của một chính phủ, trong khi mối quan tâm của bất kỳ chính phủ nào không chỉ lợi nhuận mà còn ẩn chứa những quyền lợi chiến lược khác. SWF bị nhiều người cho là những công cụ mà nước ngoài có thể dùng để chiếm hữu những tài sản thương mại nhạy cảm, những thông tin kỹ thuật và đe dọa an ninh kinh tế của quốc gia họ đầu tư.Chẳng hạn, SWF của Trung Quốc có thể đầu tư vào một công ty then chốt ở nước ngoài, sau đó dùng ảnh hưởng của họ để làm giảm hoạt động cạnh tranh trực tiếp với những nhà sản xuất Trung Quốc, hoặc có thể thúc đẩy những hoạt động cạnh tranh gay gắt hơn với các công ty đối thủ ở nước khác.

Hoạt động mang tính "bành trướng" của SWF còn khiến người ta lo ngại nước ngoài sẽ nắm hết những nguồn tài nguyên trong nước thông qua việc thôn tính hoặc đấu thầu. Những lo ngại này được cảm thấy trước nỗ lực mua lại các cảng biển Hoa Kỳ của Dubai Ports World năm 2006 và nỗ lực mở rộng mạnh mẽ của Gazprom (Nga), dù trong thực tế đó là 2 công ty, không phải SWF. Hay như thương vụ mua lại Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto ở Australia năm 2009 của nhà sản xuất nhôm Trung Quốc Chinalco. Thương vụ đã vấp phải một làn sóng phản đối mạnh mẽ của người Australia, từ dân thường đến các nhà chính trị và cơ quan truyền thông, thông qua chiến dịch "Giữ nước Australia của người Australia". Có thể chiến dịch này đã góp phần làm Rio Tinto và giới chức trách Australia "nói không" với Chinalco sau đó.